Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

NHỮNG GIẢI PHÁP VỀ CÁC CÔNG VIỆC CHUYÊN MÔN CHO THƯ VIỆN


NHỮNG GIẢI PHÁP VỀ CÁC CÔNG VIỆC CHUYÊN MÔN CHO THƯ VIỆN TRƯỜNG TIỂU HỌC LONG THỌ, HUYỆN NHƠN TRẠCH, TỈNH ĐỒNG NAI
I.    XÂY DỰNG,BỔ SUNG VỐN TÀI LIỆU CHO THƯ VIỆN TRƯỜNG TIỂU HỌC LÀ VẤN ĐỀ CẤP THIẾT.
Nhiệm vụ của thư viện trường học là phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Họat động của thư viện phải gắn liền với chương trình, nội dung học tập của mỗi lọai trường, mỗi cấp học, đồng thời gắn liền với nội dung đào tạo con người mới-con người toàn diện, theo mục tiêu của các cấp học, bậc học. Xây dựng, bổ sung vốn tài liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của thư viện, vì kho sách báo là cơ sở vật chất bảo đảm mọi hoạt động nghiệp vụ của thư viện. Các phương pháp xây dựng, bổ sung vốn tài liệu phải có cơ sở khoa học để bảo đảm cho thư viện trường học thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm thỏa mãn được các yêu cầu về sách, báo cho giảng dạy và học tập, phù hợp nội dung chương trình và trình độ của giáo viên, học sinh ,đáp ứng được yêu cầu của giáo dục toàn diện trong nhà trường. 



II.  NHỮNG GIẢI PHÁP:
2.1.  Giải pháp 1: Xác định chủ trương họat động và việc đầu tư ngân sách cho công tác bổ sung vốn tài liệu cho thư viện:
Với chức năng lưu trữ và luân chuyển sách báo, thông qua nội dung sách báo, thư viện góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng thế giới quan khoa học, nếp sống văn minh cho giáo viên và học sinh. Các họat động tuyên truyền giới thiệu, triễn lãm sách ...nhân các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, của ngành ...có tác dụng tích cực đối với việc giáo dục tư tưởng và truyền thống cách mạng cho học sinh, đồng thời chống mọi tàn dư văn hóa tiêu cực xâm nhập vào vào nhà trường.
            Bộ giáo dục và đào tạo đã có nhiều chủ trương đúng đắn và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng thư viện trong các trường học. Tiêu chuẩn thư viện trường học số 01/QĐ/BGD&ĐT thay thế tiêu chuẩn 659/QĐ-NXBGD. chức và họat động của thư viện trường phổ thông, Thông tư 30/TTLB,Thông tư 05/VP, Quyết định 61/1998/QĐ/BGD-ĐT. Pháp lệnh thư viện năm 2000 ( trích ở điều 19 chương 8) và nhiều văn bản, chỉ thị khác đã ban hành chẳng những đánh dấu sự phát triển của sự nghiệp thư viện trong các trường học mà còn là sự khẳng định vị trí quan trọng và tác dụng lớn lao của thư viện đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.
Kinh phí của thư viện gồm :
-  Tiền cho thuê sách giáo khoa .
-  Tiền trích qũy bảo trợ cho nhà trường .
-  Tiền trích quỹ lao động sản xuất của nhà trường .
-  Tiền do các tổ chức kinh tế tập thể , các đoàn thể xã hội , các cá nhân , các tổ chức quốc tế giúp đỡ cho quỹ thư viện nhà trường .
-  Tiền đền bù của những cán bộ , giáo viên , học sinh mượn hoặc thuê sách mà làm hư hỏng hay mất mát.
-  Tiền thu thanh lý sách cũ của thư viện .
2.2.  Giải pháp 2: Thực hiện đúng quy trình bổ sung vốn tài liệu thư viện
2.2.1 : Nghiên cứu các vấn đề chọn lọc tài liệu
a. Đối với sách: Ưu tiên hàng đầu là phải chọn được một quyển sách tốt nhất phục vụ được nhiều bạn đọc nhất. Thách thức lớn nhất của người cán bộ thư viện là chọn mua được những quyển sách phù hợp cho bạn đọc  của mình. Phải chọn lọc một số ít trong số hàng ngàn, hàng triệu quyển của các lần xuất bản hàng năm, mà không vượt quá kinh phí cho phép.
Tiêu chí chọn lọc sách:
+ Xét về tác giả: Xem xét về đẳng cấp, tính chuyên nghiệp của tác giả trong lĩnh vực sáng tác đó.
+ Xét về tính hiện hành của tác phẩm: Nội dung tài liệu có mang tính hợp thời hay không, ngoài tài liệu đó ra còn có tài liệu nào mang tính mới hơn. Tài liệu này có  trùng lắp thông tin với những nguồn khác mà thư viện đã có.
+ Xét về phạm vi nội dung: Xem tài liệu này đề cập đến khía cạnh chủ đề nào. Nội dung  mang tính tổng quát hay đề cập sâu từng chi tiết.
+ Xét về tiềm năng sử dụng: Tài liệu này có gây được sự quan tâm, chú ý đến sở thích của người sử dụng. Gắn liền với tính thời sự, kinh tế, chính trị, thẫm mỹ, văn hóa, nghệ thuật đang ở trạng thái cao điểm. Tài liệu này có khả năng sử dụng nhiều trong thư viện hay không.
+ Xét về bố cục trình bày: Xem cuốn sách được trình bày như thế nào, có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trong tài liệu hay không. Có những bảng tra cứu, những bảng chỉ dẫn tham khảo chéo, những bảng mục lục chi tiết hay không.
+ Xét về hình thức của tài liệu: Xem về chất lượng giấy (tính dai , tính phi a-xit), chất lượng in có dễ đọc hay không. Xét đến một số đặc điểm đặc biệt như sách có những hình ảnh minh họa quan trọng hay có những đặc điểm nào khác làm tôn thêm tính giá trị của tài liệu.
+Xác định giá thành: So sánh với các tài liệu khác tương tự để xem có đắt tiền hay không.
+ Xác định độ chính xác của nội dung: Xác định thông tin trong tài liệu có nội dung chính xác không. Các nhà chuyên gia, các nhà phê bình đánh giá, có đồng tình đây là nguồn tài liệu tốt hay không.
+ Xét tính cân bằng trong vốn tài liệu: Tài liệu này có đáp ứng bù đắp những điểm yếu hiện có trong vốn tài liệu của thư viện.
Một số công cụ hỗ trợ cho cán bộ thư viện chọn sách:
-     Đó là những nguồn tài liệu như giới thiệu sách, nhưng cần phải chú ý đến mục đích của người giới thiệu để quảng bá, để thông báo, để mô tả hay đánh giá thật sự một quyển sách mới. Những danh mục giới thiệu sách hay nhất, bán chạy nhất. Những danh mục điểm sách theo chủ đề.
-     Các nguồn thông tin từ các nhà xuất bản: Thông tin giới thiệu sách qua các phương tiện truyền thông, báo chí, các nhà sách trực truyến, các danh bạ giới thiệu sách sắp phát hành hay sách đã được bán hết.
b. Đối với báo, tạp chí: Chọn và đặt mua báo, tạp chí, một lọai hình tài liệu liên tục nhiều kỳ là một công việc không dễ dàng chút nào đối với phụ trách thư viện. Việc đặt mua một nhan đề cụ thể nào đó cũng chính là một sự cam kết đảm bảo kinh phí đầy đủ để trang trãi trong một thời gian kéo dài. Báo chí là nguồn thông tin mang tính thời sự, mang tính sự kiện trong xã hội.Vì vậy phải được tích lũy, lưu trữ để đảm bảo nhu cầu tìm kiếm thông tin quay lại ở một thời gian nào trước đó.
Tiêu chí chọn lọc đối với báo, tạp chí :
-     Xét về mục đích phạm vi nội dung và đối tượng đọc .
-     Xét về tính chính xác .
-     Xét đến sự quan tâm cơ sở của địa phương .
-     Xét về  hình thức .
-     Xét tính chất quảng cáo trên tờ báo.
-     Xét giá thành .
-     Xét về khả năng trao đổi ,chia sẽ với các thư viện khác .
Công cụ chọn lọc báo, tạp chí: Là các danh mục báo, tạp chí. Các niên giám của tòa sọan báo, tạp chí.
2.2.2 .Thực hiện các kĩ thuật, thủ tục, quy trình bổ sung tài liệu: Một khi đã chọn lọc được tài liệu phù hợp với thư viện của mình thì cán bộ thư viện tiến hành thực hiện các thủ tục quy trình bổ sung các tài liệu đó qua các bước sau:
Bước 1: Chon lọc từ danh mục của nhà sách.
Bước 2: Một khi tài liệu được chuyển đến cán bộ thư viện phải kiểm tra lại chất lượng của tài liệu. Kiểm tra thông tin thư mục.
Bước 3:  Chọn hình thức giao dịch mua bán.
Bước 4:  Hóa đơn chi trả , thủ tục tài chính.
Sau khi đã đồng ý các điều kiện mua bán. Kiểm tra chất lượng và thông tin thư mục. Cán bộ thư viện tiến hành thực hiện các thủ tục về tài chính như lập hóa đơn hay phiếu thu. có một số điều khỏan về luật pháp, cán bộ thư viện cần tham khảo để thực hiện đúng các quy tắc về tài chính.
Bước 5:  Điều kiện thương lượng khi mua bán.
            Phải giao ước trước với nhà xuất bản hay đại lý sách về điều kiện hòan trả lại nếu tài liệu họ giao bị hư hỏng, hay không phù hợp với nhu cầu đọc, hoặc không đúng với thông tin thư mục đặt hàng. hải đề nghị làm rõ các chính sách tài liệu ngay trong khi giao dịch lần đầu.
Bước 6:  Xử lý sách.
2.2.3. Quản lý quy trình bổ sung: Lập bảng dự trù kinh phí, lập danh mục tài liệu cần bổ sung sau khi đã tra trùng với vốn tài liệu cũ. họn các đơn vị cung cấp tài liệu phù hợp nhất.Đặt hàng, kiểm tra đối chiếu tài liệu, chứng từ hóa đơn. hực hiện các thủ tục tài chinh, thanh tóan, ưu lại các hồ sơ của quá trình bổ sung bao gồm: Hồ sơ của các đơn vị cung cấp tài liệu, hồ sơ các danh mục đặt mua sách, hồ sơ dự trù kinh phí, hồ sơ các hóa đơn tài chính, hồ sơ tài liệu trao đổi, hồ sơ tài liệu thanh lý ...
2.3. Giải pháp 3: Vốn tài liệu  thư viện trường tiểu học Long Thọ cần được sắp xếp, bảo quản một cách khoa học và hợp lý.
2.3.1. Công tác tổ chức sắp xếp: Để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho nội dung họat động chủ yếu của nhà trường, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh  làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập, kho sách được tổ chức thành 3 bộ phận cơ bản:
            + Sách giáo khoa: Đây là lọai sách phục vụ trực tiếp cho giảng dạy và học tập.Hiện nay, lọai sách này được phục vụ cho giáo viên và học sinh.
            + Sách nghiệp vụ dành cho giáo viên : Bao gồm các lọai sách về phương pháp giảng dạy, các sách bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, sách nâng cao trình độ chuyên môn, các tài liệu bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ Các văn  bản pháp quy. Nghị quyết của Đảng, Nhà nước của Bộ và các tài liệu hướng dẫn của ngành phù hợp với các cấp học, ngành học và nghiệp vụ quản lý giáo dục phổ thông ...Các sách phục vụ giảng dạy hàng ngày.
+ Sách tham khảo: Bao gồm các lọai sách như sách công cụ tra cứu ,sáchtham khảo các môn học, sách mở rộng kiến thức các môn học, sách nâng cao kiến thức chung .Đây là lọai sách chủ yếu do nhà xuất bản giáo dục phát hành, có lọai dùng riêng  cho giáo viên, có lọai dùng chung cho cả giáo viên và học sinh.
2.3.2.Cách sắp xếp tài liệu: Để phù hợp với cơ sở vật chất hiện nay của nhà trường, thư viện trường tiểu học Long Thọ nên chọn cách sắp xếp tài liệu theo số đăng ký cá biệt. Vì nó tiết kiệm được giá, tủ và diện tích trong kho, không mất nhiều công dồn sách trên giá ,khi kiểm kê rất thuận lợi, lấy sách phục vụ bạn đọc nhanh.
Việc sắp xếp theo số đăng ký cá biệt nên xếp từ giá ở góc bên trái cuối nhà trở ra để khi cần thiết mở rộng kho sách bằng bổ sung các giá mới. Ở trên giá đó sách được xếp từ ngăn trên cùng xuống ngăn dưới, từ tay trái sang tay phải. Cứ khỏang 100 đến 200 quyển sách thì ta lại làm một bảng phân khu .Càng chia nhỏ ( tất nhiên là không nhỏ quá ) cán bộ thư viện càng dễ tìm sách  Bảng phân khu có thể làm bằng bìa các tông, nhựa, sắt ...Chiều dài khỏang 15 - 20cm, cao khỏang 10 cm.Trên bảng phân khu ta chia làm hai phần, một phần gắn vào giá sách để giữ, phần thứ hai là phần ghi. Phần ghi của các bảng phân khu phải để nhô ra khỏi sách để cán bộ thư viện và bạn đọc dễ nhìn thấy.
2.3.3. Công tác bảo quản vốn tài liệu:
            + Về con người: Giáo dục bạn đọc về ý thức xây dựng và bảo quản vốn tài liệu, coi như nó là tài sản của quốc gia. Cán bộ thư viện phải có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo quản vốn tài liệu.
            +Về nhiệt độ, độ ẩm: Để đảm bảo về nhiệt độ và độ ẩm trong kho và để kéo dài tuổi thọ của tài liệu, ta nên lắp quạt , quạt thông gió và  trồng cây xanh  bên ngòai kho tài liệu ( không nên trồng dây leo lên tường ). Không kê tủ, giá sách sát tường.
            + Về ánh sáng : Không để ánh sáng chiếu trực tiếp vào tài liệu. Ánh sánh của các bóng đèn địên phải được che bằng các chụp thủy tinh mờ .
            + Chống bụi: Xung quanh kho nên trồng cây xanh để lá cây chắn bụi, giảm bớt bụi vào kho, bít các lam thông gió trong phòng (là phòng học ) không để gió mang bụi từ ngòai vào kho.Luôn thường xuyên dùng khăn lau khô làn bụi bám vào sách, tránh dùng chổi quét trong kho. Có thể làm sạch bụi từ sách bằng cách lấy bông nhúng vào dung dịch formalin để lau sách .
            + Chống cháy: Tuyệt đối không được hút thuốc lá, dùng lửa họăc để những chất dễ bắt cháy trong kho.Thường xuyên phải có  một bình bọt CO2 . Tuyệt đối không được dùng nước để chữa cháy kho sách, cửa sổ không dùng chắn song sắt.
            + Chống mối mọt: Phun xịt thuốc chống mối mọt lên kệ sách, góc tường, ke hở (không phun trực tiếp lên sách), theo định kỳ mỗi năm 1lần vào cuối năm học. Xử lý trực tiếp khi phát hiện ổ mối. Sơn các kệ bằng gỗ. Luôn làm vệ sinh sạch sẽ       + Chống chuột, gián, nhạy: Lên kế họach diệt chuột. Bít các ke hở ở tường, nền nhà, tạo âm thanh dụ chuột, hoặc bẫy chuột bằng keo dính, bằng bẫy lồng ( nên có sơ đồ đặt bẫy). Tuyệt đối không được nuôi mèo trong kho tài liệu. Đối với gián và con nhạy ta nên tìm bít các khe hở, khe nứt của tường, phát quang các bụi rậm gần kho, không đem lương thực, thực phẩm vào trong kho, Tẩm độc vào keo để diệt các con nhạy.
            + Chống nấm mốc: Nấm mốc là loại siêu vi sinh vật nó lây lan rất nhanh, là tác nhân gây hại đáng kể cho kho sách. Nấm tạo nên các vết bẩn, vết đen trên giấy, làm mờ, hư hỏng chính văn. Nấm phát triển rất mạnh trong môi trường có nhiệt độ thấp và độ ẩm cao ( 65% trở lên).Những sách ở tầng dưới của giá sách, gần tường ...hay bị nấm xâm hại. Các quyển sách bị nấm ta lấy bông hoặc gạc thấm dung dịch formalin 3% lau vào chỗ có nấm, sau đó lấy gạc khô, sạch lau lại một lần nữa. Nhớ xử lý cả nơi đặt tài liệu. Phải tích cực theo dõi, kiểm tra xem nấm mốc hoàn toàn tiêu diệt  chưa.
            +  Đối với sách bị ẩm, ướt: Với số lượng sách bị ướt ít ,ta xử lý bằng phương pháp ,làm khô bằng không khí.Ta đặt sách đứng theo kiểu hình quạt ở nơi  thông gió ,dưới bóng râm cho sách chóng khô. Chú ý không nên giở từng trang khi sách bị ướt .Sách  đã khô ta xếp lại vào giá sách, nhưng phải kiểm tra thường xuyên xem có bị nấm mốc không, vì sách bị ẩm ướt là điều kiện cho nấm mốc phát triển. 
2 .4. Giải pháp 4: Công tác kiểm kê, thanh lý vốn tài liệu .
            2.4.1. Công tác kiểm kê vốn tài liệu: Cán bộ thư viện phải lập kế họach kiểm kê. Quy định thời gian cho đợt kiểm kê, đảm bảo nhanh, gọn, chính xác. Kiểm tra lại trật tự, sắp xếp trong kho để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kiểm kê.
            Hình thức kiểm kê: Vốn tài liệu của thư viện hiện nay có dưới 10.000 quyển sách, thì thư viện nhà trường kiểm kê định kỳ 1 năm 1 lần.
Tổchức kiểm kê: Thành lập ban kiểm kê hiệu trưởng, cán bộ thư viện, thư ký nhà trường. Kiểm kê theo từng bộ phận sách .sau khi kiểm kê phải lập biên bản sách mất riêng, kèm theo với biên bản chính có tên các danh sách bị mất.
Kỹ thuật kiểm kê theo số đăng ký cá biệt: Phương pháp này chỉ cần 2 người, 1 người lấy từng cuốn sách trên giá đọc số đăng ký, tên tác giả, tên sách,1 người theo dõi trong sổ đăng ký cá biệt và ghi chú vào cột kiểm kê trong sổ bằng một dấu đã quy định. Đồng thời cũng ghi vào mặt sau trang tên sách năm kiểm kê. Trong khi kiểm kê nếu có trường hợp nào không khớp giữa sổ đăng ký với sách trên giá, phải để sách sang một bên để điểu chỉnh sau.
Sau khi kiểm kê tiến hành tu chỉnh, sắp xếp lại sổ sách, mục lục, những sách nào mất phải lập phích xuất kho, những sách bạn đọc giữ thì phải đòi lại, sách mất thì xóa số đăng ký cá biệt trong sổ đăng ký, rút phích những cuốn sách mất trong hộp phích. Tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm đợt kiểm kê và bàn cách xử lý kết quả kiểm kê theo quyết định của  cấp trên.
2.4.2 .Công tác thanh lý:  Việc nghiên cứu chọn sách để thanh lý là một việc phức tạp, đòi hỏi cán bộ thư viện phải có tinh thần trách nhiệm cao. Mặc dù là một công việc khó khăn nhưng là một khâu cần thiết để đảm bảo cho vốn tài liệu luôn mang tính hữu dụng và dễ dàng tiếp cận. Công tác thanh lý tiến hành theo định kỳ và phải được duy trì để di dời những tài liệu không còn hữu dụng ra khỏi vốn tài liệu chung. Sau đây là một số giải đáp những ảnh hưởng tâm lý của cán bộ thư viện gặp phải, khi tiến hành khâu thanh lý tài liệu:
-         Cán bộ thư viện cảm thấy lo lắng khi thanh lý, sẽ làm mất mát những thông tin mà có thể dễ dàng tìm được trong đống tài liệu cũ đó, và khi bạn đọc cần mà không có tài liệu đó thì họ  cảm thấy tức giận:
+ Để giải quyết tình trạng này, chính sách thanh lý tài liệu đã được hội đồng  cơ quan thông qua ,và phải giải thích với bạn đọc là việc thanh lý là công tác bắt buộc, thường xuyên trong thư viện. Bạn sẽ cố gắng giúp họ tìm ở một thư viện khác, có lưu giữ tài liệu đó hay không.
-         Cán bộ thư viện cảm thấy nếu vứt bỏ tài liệu cũ bây giờ, có thể ngày mai cần dùng đến nó .  
+ Chắc chắn tình trạng này sẽ xảy ra .Bạn phải vận dụng kỹ năng tìm kiếm nguồn thông tin khác ,ở một tài liệu hợp thời hơn .
-         + Cán bộ thư viện cảm thấy nếu thanh lý thì thư viện sẽ bị  ít sách đi.
+ Đối với tất cả thư viện, không thể áp dụng đánh giá thư viện bằng số lượng sách nhiều hay ít, mà phải chú trọng vào chất lượng tài liệu trong kho. Một kho tài liệu có quá nhiều tài liệu cũ, sẽ làm lu mờ đi giá trị của những tài liệu hữu ích, sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm tài liệu của bạn đọc.
-         Việc thanh lý tài liệu có nghĩa là thừa nhận việc sai sót, sai lầm của chính cán bộ thư viện khi chọn mua tài liệu cho thư viện.
+ Để giải quyết vấn đề này cán bộ thư viện có thể tự tin: Nếu tài liệu lạc hậu, đó là vì sự tồn tại của nó không khẳng định được giá trị bền vững thông tin của chính tài liệu đó. Nếu tài liệu mới nhưng không được sử dụng buộc phải thanh lý thì cũng không có vấn đề gì. Bởi vì thời đại sẽ phát triển những hệ tư tưởng mới, tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, thay đổi nhu cầu của bạn đọc, sẽ làm tăng giá trị của một số thông tin khác, nhưng đồng thời cũng làm mất đi giá trị của một số thông tin khác .Chính vì vậy trong mọi trường hợp cán bộ thư viện nên tự tin trước những chọn lọc của mình để tiến hành thanh lý làm mới kho sách .
KẾT LUẬN
Thư viện trường học là một bộ phận không thể thiếu được của các trường phổ thông , bằng phương tiện sách báo, đang góp phần làm tốt viêc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Thư viện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về khoa học thư viện và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, đồng thời thư viện tham gia tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị và xây dựng nếp sống văn hóa cho các thành viên trong nhà trường.
Để thư viện phục vụ sát, đúng yêu cầu giảng dạy, học tập và nhà trường gắn với thực tế nhiều mặt của xã hội, thư viện phải thường xuyên bổ sung sách mới nhằm thu hút đông đảo giáo viên, học sinh đến đọc sách của thư viện. Cần khắc phục tình trạng vì kho sách quá nghèo nàn, lạc hậu  không bổ sung kịp thời nên số lượng giáo viên, học sinh  đến thư viên mượn, đọc sách giảm đi rõ rệt 


Thư viện trường  học cần phục vụ bạn đọc với phương châm: “Tất cả vì học sinh thân yêu”.Với phong trào đổi mới giáo dục hiện nay và hội nhập quốc tế, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì người cán bộ thư viện phải có tư tưởng tiên tiến hết lòng vì học sinh thân yêu, phải thường xuyên học tập chính trị, đường lối chính sách của Đảng, nhất là quan điểm giáo dục, mục tiêu đào tạo của nhà trường, trên cơ sở đó có phương pháp xây dựng, tổ chức họat động thư viện đạt kết quả tốt. Luôn  theo dõi giúp đỡ học sinh đọc sách, giúp các em tìm chọn những cuốn sách phù hợp, bổ ích. Hướng dẫn và giáo dục các em có thói quen đọc sách và có phương pháp đọc khoa học, phương pháp tự học thông minh, có kết quả.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Lady Gaga, Salman Khan